
Tàu pháo Thái Lan được điều động tại Koh Kood ngoài khơi bờ biển Trat - Ảnh: NATION THAILAND
Hải quân Thái Lan điều 4 tàu pháo, sẵn sàng yểm trợ hỏa lực trong 1 phút
Theo báo Nation Thailand, các nguồn tin an ninh cho biết lúc 8h20 sáng 26-7, Bộ Tư lệnh Hải quân khu vực 1 của Thái Lan đã triển khai nhóm tác chiến gồm 4 tàu tới khu vực huyện Koh Kood và Ban Hat Lek, tỉnh Trat, để tham gia chiến dịch Trat Strike 1.
Lực lượng này gồm các tàu pháo tấn công nhanh và tàu pháo tuần tra, có khả năng yểm trợ hỏa lực tức thì cho lực lượng mặt đất.
Hải quân xác nhận rằng nếu có yêu cầu, các tàu có thể bắt đầu hỗ trợ hỏa lực chỉ trong vòng 1 phút.

Tàu pháo Thái Lan được điều động tại Koh Kood ngoài khơi bờ biển Trat - Ảnh: NATION THAILAND
Campuchia mở rộng vùng cấm bay
Theo tờ Khmer Times, sáng 26-7, ông Sin Chansereyvutha - quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Ban thư ký Nhà nước về Hàng không dân dụng, thông báo các biện pháp hàng không mới áp dụng trong không phận Campuchia.
Theo đó, Cục Hàng không Dân dụng Campuchia cấm hoàn toàn các chuyến bay qua khu vực giao tranh, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp này đến các tỉnh Poipet, Pailin và một nửa tỉnh Siem Reap.
Trong khu vực này, máy bay không được phép bay dưới độ cao 1.200m. Các hãng hàng không đã được thông báo về việc này.
Ông nói thêm rằng tính đến 10h ngày 26-7, các chuyến bay giữa Phnom Penh - Bangkok và Siem Reap - Bangkok vẫn đang khai thác bình thường.
Trung Quốc phủ nhận cung cấp vũ khí cho Campuchia
Theo báo The Nation của Thái Lan ngày 26-7, Trung Quốc đã chính thức bác bỏ các cáo buộc gần đây cho rằng nước này cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Campuchia trong bối cảnh xung đột đang leo thang tại biên giới Thái Lan - Campuchia.
"Kể từ khi căng thẳng bùng phát dọc theo biên giới Thái Lan - Campuchia, Trung Quốc chưa hề cung cấp bất kỳ thiết bị quân sự nào cho Campuchia. Tất cả các thiết bị quân sự có nguồn gốc từ Trung Quốc nằm trong kho của Campuchia đều là sản phẩm từ các chương trình hợp tác trong quá khứ", tờ báo này dẫn lời đại tá Thịnh Vĩ - phó giám đốc Ban châu Á thuộc Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế (OIMC) của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Thái Lan cảnh báo nguy cơ Campuchia tấn công bằng tên lửa tầm xa PHL-03
Theo báo The Nation, trưa 26-7, Quân khu 2 đã phát cảnh báo đến người dân về "mối đe dọa tiềm tàng" từ phía Campuchia, theo đó Phnom Penh có thể triển khai tên lửa phóng loạt PHL-03 với tầm bắn lên đến 130 km. Những mục tiêu có khả năng bị nhắm đến bao gồm các khu vực quân sự và cơ sở chiến lược.
Theo thông báo chính thức trên trang mạng xã hội của Quân khu 2, PHL-03 là hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa (MLRS), có khả năng bắn loạt đạn cùng lúc vào các mục tiêu chiến lược từ khoảng cách lớn.
Hiện tại, quân đội Thái Lan đã triển khai các biện pháp phòng thủ theo Kế hoạch Phòng thủ Hậu phương và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa sắp tới, bao gồm cả loại tên lửa này.
Campuchia kiên quyết bác bỏ cáo buộc "khiêu khích" Thái Lan

Người dân Campuchia bên trong nơi trú ẩn tạm thời ở tỉnh Srisaket ngày 26-7 - Ảnh: REUTERS
Tờ Khmer Times ngày 26-7 dẫn lời Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc, ông Chhea Keo, tuyên bố trước Hội đồng Bảo an rằng cuộc xung đột hiện nay không phải là hành động tự vệ của Thái Lan như nước này tuyên bố, mà là "cuộc tấn công có chủ ý", được lên kế hoạch kỹ lưỡng bởi quân đội Thái.
Trong bài phát biểu, ông Chhea cáo buộc Thái Lan đã triển khai chiến lược mở rộng hoạt động quân sự, bao gồm việc sử dụng pháo binh hạng nặng, xe tăng, máy bay F-16 và bom chùm nhằm vào các tỉnh Preah Vihear và Oddar Meanchey.
Campuchia tuyên bố nước này không có bất kỳ động thái quân sự nào trước đó ở khu vực biên giới, đồng thời đã kích hoạt Điều 35 Hiến chương Liên hợp quốc, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và sự can thiệp của Hội đồng Bảo an.
Ngoài ra, tại cuộc họp, Campuchia tiếp tục khẳng định mong muốn hòa bình, kêu gọi cộng đồng quốc tế sát cánh trong việc bảo vệ chủ quyền, luật pháp quốc tế và hòa bình khu vực.
Thái Lan khởi động chiến dịch "Trat Pikhat Pairee 1" đáp trả Campuchia



Lực lượng hạm đội, không quân và các đơn vị hải quân đặc biệt của Thái Lan được triển khai thực hiện kế hoạch Phuwanath Chakrapong - kế hoạch phản công đáp trả cuộc tấn công của Campuchia ở tỉnh Trat sáng ngày 26-7 - Ảnh: Royal Thai Navy
Theo báo Khaosod của Thái Lan, ngày 26-7, Hải quân Hoàng gia Thái Lan triển khai bốn tàu chiến thuộc Hạm đội 1 tham gia cuộc tập trận "Trat Pikhat Phairi 1" tại đảo Koh Kood, với khả năng khai hỏa trong vòng một phút.
Theo phía Thái Lan, đây là lực lượng khiến binh sĩ Campuchia e ngại nhất trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại biên giới.
Chiến dịch nhằm đẩy lùi lực lượng Campuchia, bị cáo buộc là "xâm phạm ba điểm dọc biên giới Thái Lan" vào khoảng 5h10 cùng ngày.

Thái Lan khởi động chiến dịch “Trat Pikhat Pairee 1" tại tỉnh Trat sáng 26-7 - Ảnh: The Nation

Thái Lan khởi động chiến dịch “Trat Pikhat Pairee 1" tại tỉnh Trat sáng 26-7 - Ảnh: The Nation
Campuchia lần đầu công bố thương vong
Sáng 26-7, tờ Khmer Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata cho biết ít nhất 5 binh sĩ đã thiệt mạng và 21 người khác bị thương trong các cuộc giao tranh gần đây. Ngoài ra, xung đột còn khiến 8 dân thường thiệt mạng và 50 người bị thương.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi giao tranh bùng phát hôm 24-7, Campuchia công bố số liệu thương vong, theo báo Phnom Penh Post.
Phía Bộ Quốc phòng Campuchia cáo buộc quân đội Thái Lan vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả Công ước Geneva, khi tiến hành các cuộc tấn công bừa bãi nhằm vào dân thường, ném bom xuống các ngôi làng và địa điểm linh thiêng, thậm chí bị nghi sử dụng bom chùm.
Về phía Thái Lan, chính quyền nước này xác nhận 15 người đã thiệt mạng, bao gồm 14 dân thường và 1 binh sĩ, cùng 46 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ vừa qua.

Một em bé bị thương được đưa đến trạm y tế ở Pursat - Ảnh: Khmer Times
Thái Lan kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ
Tờ Bangkok Post ngày 26-7 đưa tin Thái Lan đã chính thức gửi thư lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), cung cấp bằng chứng cho thấy Campuchia là bên khởi xướng các hành động vũ trang trong đợt giao tranh nghiêm trọng ngày 24-7.
Theo Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan, bà Maratee Nalita Andamo, trước đó Campuchia đã gửi thư lên UNSC đề nghị họp khẩn để giải quyết xung đột biên giới. Trong thư, Campuchia cáo buộc Thái Lan vi phạm chủ quyền, tuy nhiên phía Thái Lan kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
Thái Lan lên án hành động của Campuchia là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Geneva thứ nhất và Công ước Geneva thứ tư.
Hiện Quân đội Hoàng gia Thái Lan đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh để hỗ trợ sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao đến những địa điểm tập trung dân sự an toàn nằm sâu trong nội địa của bốn tỉnh giáp biên giới. Theo báo cáo mới nhất, tổng cộng đã có 63.446 người dân được sơ tán an toàn khỏi vùng nguy hiểm.
Các đội tình nguyện theo sáng kiến Hoàng gia đã được triển khai đến các tỉnh để chăm sóc và hỗ trợ người dân. Ngoài ra, 7 bếp ăn Hoàng gia và 8 bếp dã chiến di động đã được thiết lập nhằm phục vụ thực phẩm cho người sơ tán.
Campuchia lên án Thái Lan ban bố thiết quân luật, cảnh báo leo thang xâm lược

Một ngôi chùa bị pháo binh Thái Lan phá hủy được chụp tại tỉnh Oddar Meanchey, Campuchia hôm 25-7 - Ảnh: AFP
Cũng trong sáng 26-7, Bộ Quốc phòng Campuchia ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc Thái Lan ban bố thiết quân luật tại các tỉnh biên giới Trat và Chanthaburi, cho rằng đây là hành động dàn trận có chủ đích nhằm làm trầm trọng thêm tình hình.
Tuyên bố được đưa ra vào sáng sớm 26-7, sau khi Thái Lan chính thức tuyên bố áp dụng thiết quân luật tại hai tỉnh Trat và Chanthaburi, theo báo Khmer Times.
"Thay vì tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, Thái Lan lại tăng cường hiện diện quân sự", tuyên bố viết, chỉ trích việc Bangkok huy động binh sĩ và khí tài đến sát biên giới theo kế hoạch sẵn sàng chiến tranh có tên "Chakrabongse Bhuvanath".
Cơ quan này cáo buộc Thái Lan phát động một "cuộc tấn công quân sự có chủ đích, vô cớ và trái pháp luật" vào sáng 24-7 nhằm vào Campuchia, bao gồm việc không kích và sử dụng bom chùm, gây thiệt hại nặng cho nhiều cơ sở dân sự như chùa chiền, trung tâm y tế, trạm xăng, chợ và cả một phần quần thể đền Preah Vihear - di sản thế giới được UNESCO công nhận.
"Những hành động chuẩn bị quân sự có chủ đích này cho thấy rõ ý đồ của Thái Lan trong việc mở rộng sự xâm lược và tiếp tục vi phạm chủ quyền của Campuchia", tuyên bố nhấn mạnh.
Tuyên bố cũng bác bỏ lý do mà phía Thái Lan đưa ra liên quan đến việc sử dụng bom chùm, cho rằng đây là "những cái cớ bị dựng lên để biện minh cho chiến dịch quân sự rộng lớn hơn".
Campuchia kêu gọi cộng đồng quốc tế, bao gồm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ASEAN, lên án hành động của Thái Lan và ngăn chặn leo thang xung đột.
"Campuchia kiên định giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế", Bộ Quốc phòng nước này nhấn mạnh, đồng thời tái khẳng định quyền tự vệ của Campuchia theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ chỉ huy phòng thủ biên giới Chanthaburi - Trat của Thái Lan chính thức ban bố thiết quân luật tại 8 huyện thuộc hai tỉnh giáp Campuchia, có hiệu lực ngay lập tức.
Phía Thái Lan cho biết việc triển khai quân đội là "cần thiết để bảo vệ lãnh thổ trước các mối đe dọa bên ngoài", cáo buộc Campuchia đã dùng vũ lực xâm phạm lãnh thổ Thái Lan dọc biên giới.
Mặc dù cả hai quốc gia đã phát tín hiệu mong muốn đàm phán để chấm dứt giao tranh, song giới quan sát lo ngại động thái ban bố thiết quân luật từ Thái Lan có thể cản trở nỗ lực hòa giải và tiếp tục đẩy khu vực vào nguy cơ đối đầu quân sự kéo dài.
BÌNH LUẬN HAY