
Một đơn vị pháo binh cơ động của quân đội Thái Lan ở tỉnh Surin khai hỏa về phía Campuchia hôm 25-7 - Ảnh: REUTERS
Theo báo The Nation ngày 25-7, quân đội Hoàng gia Thái Lan đã lên tiếng bảo vệ quyết định sử dụng bom chùm của nước này giữa lúc giao tranh biên giới với Campuchia leo thang, khẳng định chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự và không gây ảnh hưởng lâu dài đến dân thường.
Phát ngôn viên quân đội Thái Lan Winthai Suwaree cho biết loại vũ khí này chỉ được dùng trong những tình huống cần thiết nhằm tăng hiệu quả tiêu diệt mục tiêu quân sự.
Ông Winthai giải thích rằng khi quả bom chính phát nổ, các bom con bên trong sẽ lần lượt kích nổ. Tuy nhiên ông nhấn mạnh đây không phải là mìn sát thương cá nhân, và sẽ không gây hậu quả lâu dài cho dân thường khi sử dụng.
Tuyên bố được đưa ra sau khi phía Campuchia cáo buộc Thái Lan sử dụng "một lượng lớn" bom chùm trong các đợt pháo kích gần biên giới, vi phạm luật pháp quốc tế và gây hư hại nghiêm trọng cho đền Preah Vihear, di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Phnom Penh gọi đây là hành động "xâm lược quân sự vô cớ" và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào cuộc.
Đáp lại, quân đội Thái khẳng định nước này không bị ràng buộc bởi Công ước cấm bom chùm (CCM) vì không phải là thành viên tham gia hiệp ước, tương tự như Mỹ và Nga - những quốc gia cũng từ chối ký kết lệnh cấm.
Dù vậy, Thái Lan vẫn cam kết tuân thủ nguyên tắc "tương xứng" trong các chiến dịch quân sự, khẳng định việc sử dụng bom chùm chỉ giới hạn trong các mục tiêu quân sự nhằm tăng hiệu quả tác chiến.
Theo báo Thai Enquirer, bom chùm bị cấm theo Công ước CCM vì nguy cơ từ các bom con chưa nổ, có thể gây chết người dù đã được triển khai từ nhiều năm trước.
Các tổ chức nhân đạo từ lâu đã chỉ trích việc sử dụng bom chùm, cảnh báo rằng ngay cả khi được nhắm vào mục tiêu cụ thể, loại vũ khí này vẫn gây nguy hiểm rộng khắp và có tỉ lệ bom con không nổ cao, khiến dân thường đối mặt với rủi ro kéo dài.
Giao tranh biên giới giữa Thái Lan và Campuchia nổ ra vào ngày 24-7, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 130.000 người phải sơ tán cho tới nay, theo Hãng tin Reuters.
Phía Campuchia tuyên bố đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người giữ chức vụ chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2025, và cho rằng Thái Lan ban đầu đồng ý nhưng sau đó lại rút lui.
Tuy nhiên Bangkok cho biết họ "đồng ý trên nguyên tắc", nhưng muốn ngừng bắn phải dựa trên điều kiện thực tế tại hiện trường.
BÌNH LUẬN HAY