
Hình ảnh nhà kính nổi "Ocean Bloom" lan truyền trên mạng được xác định dựng bằng AI - Ảnh: FACEBOOK
Từ đầu tháng 7, mạng xã hội lan truyền nhiều bài đăng kèm hình ảnh về một công trình có tên "Ocean Bloom", được cho là nhà kính nổi hiện đại do các nhà khoa học Na Uy phát minh.
Trong các bài viết này, Ocean Bloom được mô tả là có khả năng tự trồng thực phẩm, khử mặn nước biển để tưới tiêu, tạo ra nguồn năng lượng dư đủ để cung cấp cho các ngôi làng xung quanh và đồng thời đóng vai trò như một hệ thống hấp thụ carbon.
Một trong những bài đăng đầu tiên về công trình này xuất hiện trên trang Facebook "Forest Hunts" vào ngày 7-7, thu hút hơn 80.000 lượt tương tác.
Sau đó vào ngày 19-7, một trang Facebook khác tiếp tục chia sẻ hình ảnh khác về Ocean Bloom, thông tin về nhà kính nổi này nhanh chóng lan rộng sang nền tảng X và nhận hơn 65.000 lượt xem.
Theo báo cáo xác minh ngày 24-7 của tổ chức kiểm chứng Snopes, thông tin về nhà kính nổi Ocean Bloom là bịa đặt.

Nhà kính nổi Jellyfish Barge (hay sà lan sứa) có thiết kế khác hoàn toàn so với hình ảnh của Ocean Bloom - Ảnh: COGGLES
Snopes cho biết họ đã tìm kiếm các từ khóa như "nhà kính nổi Ocean Bloom Na Uy", hay "nhà kính nổi" trên các nền tảng tra cứu như Google nhưng không tìm được kết quả nào đáng tin.
Bên cạnh đó cả hai hình ảnh được dùng để minh họa đều có dấu hiệu do trí tuệ nhân tạo tạo ra, và đã được công cụ phát hiện ảnh AI Sightengine đánh giá là "có khả năng cao là sản phẩm AI".
Snopes cho biết trang "Forest Hunts" thường xuyên đăng các bài viết mô tả những phát minh khoa học mang tính đột phá, đi kèm hình ảnh tạo bằng AI và theo một công thức quen thuộc: gán sản phẩm cho các nhà khoa học từ nhiều quốc gia, nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững.
Trong vòng 24 tiếng, từ ngày 22 đến 23-7, trang này đã đăng tới 20 bài viết về các phát minh khác nhau, hầu hết đều không có bằng chứng xác thực.
Đối với nhà kính nổi Ocean Bloom, Snopes cho rằng trang Forest Hunts có thể đã lấy ý tưởng từ một công trình có thật mang tên Jellyfish Barge - một nhà kính nổi do nhóm nghiên cứu PNAT tại Ý phát triển từ năm 2014.
Công trình này vận hành bằng năng lượng mặt trời để trồng cây và khử mặn nước biển nhằm phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp, nhưng không có khả năng tạo ra năng lượng để cung cấp cho cộng đồng xung quanh.
Tuy nhiên, thiết kế của Jellyfish Barge khác hoàn toàn so với hình ảnh của Ocean Bloom đang lan truyền trên mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận