
Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: THANH HIỆP
Chiều 24-7, đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành làm việc với UBND TP.HCM.
Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được và đại diện các sở, ngành.
TP.HCM kiến nghị sớm ban hành Luật Khu công nghiệp
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, việc xây dựng và ban hành văn bản theo thẩm quyền luôn được quan tâm chú trọng và thực hiện theo đúng trình tự thủ tục được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật cấp trên.
Đến nay, UBND TP.HCM đã ban hành hoặc trình HĐND ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Bảo vệ môi trường.
Hiện nay, còn 23 văn bản quy phạm pháp luật triển khai luật chưa được thành phố ban hành do nội dung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, do chưa có quy định cụ thể chính sách, hình thức ưu đãi, hỗ trợ tài chính… dẫn đến lúng túng khi xây dựng, ban hành văn bản.
UBND TP sẽ rà soát, sớm ban hành trong thời gian tới.

Đoàn giám sát được giới thiệu về các sản phẩm gạch xây dựng của Công ty Biwase được làm ra từ việc xử lý chất thải - Ảnh: THANH HIỆP
UBND TP đánh giá TP.HCM còn nhiều khó khăn trong bảo vệ môi trường. Camera ghi hình vi phạm vệ sinh công cộng hạn chế, nhất là ban đêm. Quản lý nguồn thải dưới 300kg/ngày thiếu chế tài, lực lượng thu gom rác biến động, gây khó khăn quản lý.
Một số quy định về xử lý vi phạm hành chính còn phức tạp, thiếu hướng dẫn cụ thể, đặc biệt về cưỡng chế thi hành và đình chỉ hoạt động. Bộ Nông nghiệp và Môi trường chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật về xử lý nước thải tại chỗ, gây trở ngại.
Bên cạnh đó, tiếng ồn từ các hoạt động giải trí và kinh doanh vẫn là vấn đề nan giải do khó khăn trong đo đạc và xử lý vi phạm. Các nghiên cứu khoa học còn hạn chế về tính ứng dụng thực tế, thiếu sự phối hợp và kế thừa thông tin giữa các đơn vị.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, các quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn phù hợp với đặc điểm của địa phương.
UBND TP.HCM kiến nghị cần sớm ban hành Luật Khu công nghiệp, trong đó có các quy định về hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và cộng sinh trong khu công nghiệp; xem xét sửa đổi quy định quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
UBND TP kiến nghị quy định rõ thời điểm chậm nộp ký quỹ, xử lý vi phạm và đình chỉ hoạt động; đề xuất phạt tiền nếu doanh nghiệp khắc phục và đảm bảo xử lý môi trường.
Đồng thời, cần phạt hành vi gây ồn không liên tục, vứt rác sai quy định; tăng phạt xả rác bừa bãi. Xây dựng chính sách ứng phó biến đổi khí hậu, khuyến khích xã hội hóa bảo vệ môi trường, sản xuất sạch, sản phẩm thân thiện để phát triển bền vững.
Nâng cao nhận thức về vai trò sống còn của bảo vệ môi trường

Đoàn đại biểu tham quan hệ thống lồng quay lọc các loại chất rắn có trong nước trước khi qua các giai đoạn khác - Ảnh: THANH HIỆP
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
TP cũng đã bước đầu triển khai thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội; thúc đẩy áp dụng các mô hình kinh tế xanh, phân loại rác tại nguồn và phát triển không gian xanh.
Ông Hoan đề nghị TP cần nâng cao nhận thức về vai trò sống còn của bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững nền kinh tế.
Đồng thời rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường; kiến nghị sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn.
Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý việc quy hoạch, huy động nguồn lực để xử lý ô nhiễm không khí, nước thải, rác thải và bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ cấp thiết. TP cần kiện toàn bộ máy quản lý môi trường, xác định rõ trách nhiệm giữa các cấp, đặc biệt tại cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo ô nhiễm và hợp tác quốc tế sẽ giúp cải thiện hiệu quả quản lý môi trường.
Đặc biệt, thành phố nên phối hợp với các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Tây Ninh để quản lý tài nguyên nước, xử lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm liên vùng.

Chủ tịch HĐQT Công ty Biwase giới thiệu với đoàn đại biểu các bể ủ chất thải tạo phân bón - Ảnh: THANH HIỆP

Đoàn khảo sát tại TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP

Đoàn khảo sát tại TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị UBND TP.HCM tiếp thu ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội, các thành viên đoàn giám sát, các vị đại biểu để hoàn thiện báo cáo.
Về các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM, ông Huy cho hay đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ để xây dựng báo cáo trình Quốc hội, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan, đặc biệt là về đầu tư hạ tầng môi trường, phân cấp quản lý, và cơ chế phối hợp các ngành, các cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận